"Thoát tục" và an lạc với phong cách nội thất Zen

Tiết chế tối đa phụ kiện trang trí, ưu tiên cây xanh, yếu tố nước

Trong tiếng Nhật, Zen có nguồn gốc từ chữ Phạn với ý nghĩa là "thiền". Là một hình thái của đạo Phật, Zen ảnh hưởng mạnh mẽ tới lối sống của người dân Nhật Bản, dần lan truyền trên khắp thế giới và rất được yêu thích. Đặc biệt, phong cách Zen trong thiết kế nội thất được nhiều chuyên gia nghiên ứu, ứng dụng rộng rãi.

Có thể nói, "hồn cốt" của phong cách nội thất Zen là sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa và tôn giáo. Phong cách này chịu ảnh hưởng của Phật giáo thanh tịnh, đồng thời lấy cảm hứng từ không gian truyền thống của người Nhật. Vì vậy, thiết kế nội thất theo phong cách Zen gắn liền với sự tối giản, tạo cảm giác an yên, tĩnh lặng và gần gũi thiên nhiên mà vẫn đảm bảo tiện nghi cần thiết cho gia chủ.

Hình ảnh mẫu thiết kế phòng ngủ đậm phong cách Zen, sử dụng tông màu ấm áp.
Mẫu thiết kế phòng ngủ đậm phong cách Zen, sử dụng tông màu ấm áp.

Cuộc sống hiện đại với rất nhiều áp lực, căng thẳng từ công việc cũng như các mối quan hệ xã hội khiến người ta ngày càng muốn hướng tới thiết kế, trang trí nhà ở thành "ốc đảo" bình yên, đối lập với sự xô bồ, ồn ã bên ngoài đường phố. Phong cách Zen vì thế ngày càng được ưa chuộng trong thiết kế nội thất.

Bạn có thể cân nhắc lựa chọn phong cách Zen khi xây mới hoặc cải tạo không gian sống của mình. Muốn vậy, gia chủ nên nắm rõ những đặc trưng cơ bản về màu sắc, chất liệu, ánh sáng... của phong cách này để thiết kế và trang trí hài hòa.

Sử dụng màu lặng (muted color)

Khi thiết kế nhà ở theo phong cách nội thất Zen, bạn nên lưu tâm tới yếu tố màu sắc đầu tiên để định hình không gian sống thiền tịnh, an lạc. Zen chuộng màu trung tính, gần gũi thiên nhiên như màu trắng, be, cát, nâu vàng, cam sậm, hổ phách, ghi xám, gỗ sáng... Bên cạnh đó, những gam màu như xanh lá, xanh nhạt, xanh navy, tím oải hương... cũng được khuyến khích sử dụng. 

Các tông màu nói trên dù kết hợp hay sử dụng độc lập đều phát huy được sức mạnh của nó, góp phần cải thiện tâm trạng, giúp các thành viên sống trong nhà trở nên thư thái, bình tĩnh và ôn hòa hơn. Thậm chí, chúng còn giúp bạn phát huy trí tưởng tượng, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong công việc.

Hình ảnh góc ngủ nghỉ cạnh khung cửa sổ kính ngập tràn ánh sáng
Phong cách Zen trong thiết kế nội thất chuộng tông màu lặng trung tính, màu của đất.

Khi sử dụng nhiều tông màu cùng lúc cho ngôi nhà phong cách Zen, bạn cần kết hợp hài hòa giữa các màu khác nhau để tạo nên tổng thể không gian hài hòa và thống nhất. Ngoài những màu sắc cơ bản, điển hình của phong cách Zen thì nên sử dụng thêm màu nhấn nổi bật nhằm tránh cảm giác đơn điệu, trầm lắng quá mức cần thiết. Chẳng hạn, gia chủ thường sử dụng màu sắc trung tính như be, trắng, gỗ sáng cho tường, trần và sàn nhà; nhấn nhá màu sắc nổi bật như vàng chanh, đỏ cam cho ghế ngồi góc thư giãn hoặc vật dụng trang trí.

Chuộng chất liệu tự nhiên

Chất liệu được yêu thích nhất và sử dụng phổ biến trong phong cách Zen là gỗ, tre, đá, sỏi, gạch, cỏ, đay... Đặc biệt, vẻ đẹp tự nhiên của vật liệu được đề cao và hạn chế tối đa việc chỉnh sửa. Việc sử dụng chất liệu tự nhiên tông màu trầm, trung tính vừa mang đến vẻ mộc mạc, nguyên sơ, truyền thống vừa tạo cảm giác ấm áp cho toàn bộ không gian nhà/căn hộ.

Bước vào ngôi nhà phong cách Zen, bạn sẽ thấy gần như toàn bộ sàn nhà đều được lát gỗ mộc mạc, màu sáng. Tuy nhiên, nếu muốn tạo sự phân tách tương đối giữa các không gian chức năng thì có thể chọn 2-3 màu ván sàn. Sàn đá tự nhiên thường được sử dụng cho phòng tắm, sân hiên, lối đi sân vườn. Hiện nay, vật liệu sàn nhựa giả gỗ, màu sắc nhã nhặn cũng được nhiều gia đình lựa chọn. Sàn nhựa cao cấp cũng rất an toàn, thoải mái và phù hợp với căn hộ phong cách Zen hiện đại. 

Hình ảnh trong phòng tắm hiện đại, kệ gỗ thô mộc mang đến cảm giác thân thiện, gần gũi.
Trong phòng tắm hiện đại, kệ gỗ thô mộc mang đến cảm giác thân thiện, gần gũi.

Bên cạnh đó, gia chủ nên chọn thảm sàn chất liệu len, nhung, 100% cotton, vải sợi, vải bố hoặc kaki màu xám không họa tiết, đảm bảo sự hài hòa với sàn nhà. Nhiều gia đình lại chuộng sử dụng chiếu trải sàn kiểu Nhật - chiếu Tatami để thay thế thảm trải sàn.

Cửa lùa, vách ngăn làm bằng vật liệu gỗ được chia thành nhiều ô vuông nhỏ dán giấy là một trong những đặc trưng nổi bật của không gian nhà phong cách nội thất Zen. Với không gian đậm chất thiền, có càng nhiều cửa càng tốt, giúp kết nối chặt chẽ giữa các khu vực chức năng, giữa trong và ngoài nhà. Hệ cửa này còn có chức năng điều tiết ánh sáng, gió trời phù hợp nhu cầu theo từng thời điểm trong ngày.

Nội thất tinh giản

Giá trị cốt lõi của phong cách Zen là cảm giác yên bình, tĩnh lặng. Đồ nội thất vì thế sẽ hướng tới sự tối giản, hạn chế các chi tiết trang trí cầu kỳ, phức tạp. Đặc điểm nổi bật của nội thất phong cách Zen là tận dụng tối đa đường nét, hình dạng cơ bản như thẳng, vuông, tròn... không có nhiều hoa văn cầu kỳ, dư thừa. Chiều cao nội thất tương đối thấp, kích thước nhỏ gọn để không cản đường đi của ánh sáng, tạo cảm giác rộng rãi, thông thoáng hơn cho không gian sống.

Màu sắc đồ nội thất phong cách này thường có tông màu trầm chủ đạo, kết hợp cùng một vài phụ kiện trang trí handmade mang đậm dấu ấn cá nhân. Phòng khách đặc trưng gồm bàn trà gỗ hình vuông/tròn/chữ nhật kết hợp sofa bọc vài kaki màu be, xám, trắng. Thậm chí, không gian tiếp khách tối giản chỉ có bàn trà, xung quanh đặt nệm ngồi êm ái. Trong phòng ngủ, giường, tủ quần áo, ngăn kéo, bàn trang điểm... nên có màu sắc đồng điệu với phông nền tổng thể, tạo sự hài hòa giữa vật dụng và căn phòng.

Hình ảnh phòng ăn phong cách Zen thoáng đẹp, ngập tràn ánh sáng
Nội thất gỗ tự nhiên kiểu dáng đơn giản, thanh thoát kết hợp cùng ánh sáng tự nhiên ngập tràn tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người dùng bữa.​

Hệ tủ lưu trữ âm tường cũng rất quen thuộc trong phong cách Zen, nhất là đối với những ngôi nhà có diện tích hạn chế nhằm đảm bảo sự ngăn nắp, chỉn chu. Cùng với đó, kệ trần cũng được sử dụng phổ biến, dùng để bày đồ trang trí hoặc những vật dụng như bình hoa, đồ sưu tầm, đèn xông tinh dầu...

Tuy được thiết kế vô cùng đơn giản nhưng nội thất phong cách Zen vẫn rất chỉn chu từ hình dáng tới màu sắc. Do đó, việc chọn đồ nội thất phải thật kỹ lưỡng, phù hợp với diện tích để tránh tạo sự lộn xộn, thu hẹp không gian, gây mất thẩm mỹ tổng thể.

Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên

Những ngôi nhà phong cách Zen thường được thiết kế với nhiều cửa sổ hay ô kính trong suốt nhằm tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cũng như không khí trong lành vào nhà. Không gian sinh hoạt chung, lối đi hành lang và cả phòng ngủ, nhà vệ sinh đều có thấy đón sáng từ cửa chính, cửa sổ hoặc ô sáng trên tường. Nếu sử dụng rèm cửa thì gia chủ sẽ lựa chọn kiểu đơn giản nhất, làm bằng chất liệu tre, vải cotton màu sáng, trơn.

Hình ảnh phòng khách phong cách Zen tông trắng chủ đạo với bàn ghế sofa trắng, thảm trải lông, cửa kính trong suốt
Phòng khách phong cách Zen hiện đại, ngập tràn ánh sáng tự nhiên nhờ khung cửa kính lớn.

Bên cạnh đó, ánh sáng nhân tạo cũng rất được chú trọng trong phong cách nội thất Zen. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng loại đèn có ánh sáng dịu nhẹ, mang lại cảm giác thư thái nhất có thể như kiểu đèn khuếch tán, đèn LED. Đèn lồng trang trí khá được ưa chuộng, mang đến cảm giác trầm tĩnh. Đồng thời, đèn thường được lắp đặt ở những vị trí thấp từ giữa phòng trở xuống, ấm áp vừa đủ, tránh gây chói/nhức mắt.

Tiết chế tối đa phụ kiện trang trí, ưu tiên cây xanh, yếu tố nước

Phong cách Zen trong thiết kế nội thất hướng tới sự tối giản, vì thế sẽ hạn chế tối đa phụ kiện trang trí, nhất là những món đồ cầu kỳ, phô trương. Ví dụ, đối với tranh treo tường phòng khách, gia chủ chỉ nên chọn theo chủ đề cụ thể hoặc chỉ treo tranh một bức duy nhất với kích thước hài hòa, hạn chế kiểu tranh trừu tượng, phối kết ngẫu hứng.

Văn hóa Nhật Bản luôn dành tình yêu, sự tôn trọng nhất định đối với thiên nhiên. Vì thế, trang trí nhà theo phong cách Zen không thể thiếu các mảng xanh. Lưu ý, bạn nên tránh chọn những loại cây, hoa cảnh có mùi quá nồng hoặc quá sặc sỡ. Cây trồng thủy sinh, tre, trúc và bonsai được xem là lựa chọn phù hợp nhất.

Hình ảnh một góc phòng tắm phong cách Zen nhìn ra khoảng sân vườn xanh mát bên ngoài
Phòng tắm hướng nhìn ra khoảng sân vườn xanh mát bên ngoài.

Nước cũng là yếu tố trang trí phổ biến. Tham quan ngôi nhà được bài trí theo phong cách nội thất Zen đặc trưng, bạn sẽ bắt gặp đài phun nước mini đặt trên bàn, tiểu cảnh nước ở trung tâm nhà hoặc đồ trang trí có yếu tố nước. Âm thanh nước chảy róc rách kết hợp cùng sắc xanh thiên nhiên hiện diện khắp nơi tạo cảm giác thư thái, hòa hợp với đất trời.

Cùng với đó, bạn có hoàn toàn có thể sử dụng đèn xông tinh dầu, nến thơm để không gian nhà phảng phất mùi hương tươi mát, dễ chịu, tốt cho sức khỏe, góp phần giúp các thành viên gia đình tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc, học tập vất vả.

Nến, sáp ong và tinh dầu là những cách tự nhiên để tăng cường mùi hương tươi mát cho căn phòng của bạn, không những giúp ngủ ngon mà còn tiếp thêm sinh lực khi đến giờ thức dậy.

Lam Giang

>> Biến phòng tắm thành không gian thư giãn, yên bình với phong cách Zen

>> Không gian sống bình yên trong biệt thự phong cách Zen

ThanhnienViet

Bài viết mới nhất

Vui lòng đăng nhập để được bình luận hoặc đánh giá.

  • BĐS bán
  • BĐS cho thuê