Phong cách nội thất Mid-century: Đơn giản - sang trọng - gần gũi với thiên nhiên

Những đặc trưng cơ bản của phong cách nội thất Mid-century 

Hiện nay có rất nhiều phong cách thiết kế nội thất, mỗi phong cách đều có những đặc trưng riêng biệt xuất phát từ vùng miền, lãnh thổ, quốc gia và khoảng thời gian mà phong cách đó ra đời. Mid-century nổi lên như một thiết kế mới lạ, hòa hợp giữa yếu tố cổ điển và hiện đại, mang đến cho gia chủ nhiều trải nghiệm thú vị.

Phong cách Mid-century là gì?

Đúng như tên gọi, nội thất Mid-century là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thiết kế cổ điển và hiện đại. Phong cách này ra đời, phát triển rực rỡ trong nhăm năm 1940 - 1970, giai đoạn giữa và nửa cuối thế kỷ XX. Lúc bấy giờ, lối thiết kế kiểu cách, rườm rà, cầu kỳ tới từng chi tiết nhỏ không còn phù hợp với không gian nhà ở. Thay vì thế, phong cách thiết kế tinh giản, phóng khoáng "lên ngôi".

Nội thất Mid-century không câu nệ, không tuân theo bất kỳ một nguyên tắc sắp xếp, bài trí nào. Cái hồn của phong cách này là sự giản dị, phóng khoáng, mang đến cho người dùng cảm giác tự do, gần gũi với thiên nhiên. Theo thời gian, Mid-century trong thiết kế nội thất được biến tấu cho phù hợp với cuộc sống đương đại nhưng về cơ bản vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản sau đây.

Những đặc trưng cơ bản của phong cách nội thất Mid-century 

Tông màu trung tính chủ đạo

Bước vào ngôi nhà phong cách Mid-century, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy gia chủ sử dụng tông màu trung tính (trắng, xám, be, nâu nhạt...) chủ đạo xuyên suốt không gian. Gam màu nâu gỗ nhẹ nhàng được sử dụng phổ biến nhất. Trong khi đó, những gam màu nóng, tươi sáng như đỏ hoặc vàng chanh sẽ trở thành điểm nhấn bắt mắt, giúp không gian nhà không rơi vào trạng thái đơn điệu, nhàm chán. Bảng màu tươi sáng còn gợi cho người ngắm liên tưởng phong cách sống phóng khoáng, lạc quan của chủ nhân, tạo ấn tượng tốt về mặt thị giác.

màu sắcphong cách nội thất Mid-century
Những màu sắc thường được sử dụng trong phong cách nội thất Mid-century.

Cách lựa chọn màu sắc cho nội thất Mid-century rất thoải mái, tùy thuộc sở thích và nhu cầu của gia chủ. Tuy nhiên, khi phối màu cho căn phòng, bạn nên áp dụng công thức 60-30-10 bất bại trong thiết kế nội thất. Cụ thể, tông màu cơ bản chiếm ưu thế với tỷ lệ 60%, màu sắc trung bình chiếm 30%, còn lại 10% là màu nhấn. Đồng thời, gia chủ nên tránh chọn nhiều hơn 3 màu cho cùng một không gian.

Kiểu dáng nội thất ấn tượng

Nội thất Mid-century chủ yếu lấy cảm hứng từ những đường nét thiết kế thập niên 1950, kết hợp hài hòa cùng phong cách thiết kế cận hiện đại. Hiện nay, phong cách này còn tích hợp thêm những yếu tố của thiết kế đương đại tối giản, chú trọng vào công năng sử dụng.

Ngoài chức năng đơn thuần, đồ nội thất còn là những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng như ghế womb, bàn tulip... Đặc biệt, kiểu dáng nội thất trừu tượng hơn hẳn so với bất kỳ phong cách nào khác với đường nét thẳng mạnh mẽ cùng điểm nhấn cong mềm mại ở các góc. Phần chân của bàn ghế thường cao, thẳng, thon và tách hẳn với mặt sàn. 

mẫu ghế phong cách Mid-century
Một số mẫu ghế thường xuất hiện trong phong cách Mid-century

Mid-century ưu tiên những thiết kế nội thất tối giản, bỏ qua mọi chi tiết rườm rà, phức tạp, không cần thiết. Các chi tiết trang trí cầu kỳ hoặc hoa văn phức tạp ít khi xuất hiện trên đồ nội thất.

Đồ nội thất thường được làm bằng gỗ (gố óc chó, gỗ tếch), kim loại trơn hoặc fiberglass (sợi thủy tinh) với kiểu dáng thanh mảnh, tạo cảm giác thông thoáng cho không gian sống. Cùng với đó, chất liệu da hoặc vải cotton 100% cũng được ưu tiên sử dụng. 

Bên cạnh đó, công năng sử dụng của món đồ rất được chú trọng. Thậm chí, công năng sử dụng được tăng gấp đôi như kệ tivi kiêm chức năng lưu trữ, dưới giường ngủ hoặc ghế ngồi có thể ngăn kéo đựng đồ hay phía trên tủ giày được tận dụng làm nơi bày một chậu cảnh xanh mát hay phụ kiện trang trí nhỏ xinh.

Hình ảnh một số mẫu bàn ghế, tủ đồ Mid-century
Hình ảnh một số mẫu bàn ghế, tủ đồ phổ biến trong phong cách Mid-century

Hoa văn, họa tiết hình học ấn tượng

Trong phong cách nội thất Mid-century, hoa văn và họa tiết trang trí không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn mẫu nào, miễn sao gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác, giúp không gian nhà trở nên sinh động, tươi mới hơn. Đặc biệt, hoa văn hình học được sử dụng nhiều nhất gồm tam giác, hình vuông, hình tròn. Họa tiết trừu tượng, phụ kiện có hình dáng uốn lượn, vòm, cong, nhuốm màu thời gian những năm 1950-1960 cũng rất được ưa chuộng.

hoa văn, họa tiết của nội thất Mid-century
Nội thất Mid-century chuộng các mẫu họa tiết hình học, trừu tượng và bất đối xứng.

Các mẫu vải dệt kích thước lớn như tranh vải treo tường, thảm trải sàn, rèm cửa... là sẽ phông nền lý tưởng cho các mẫu hoa văn hình học hoặc họa tiết trừu tượng phát huy tối đa giá trị thẩm mỹ. Trong đó, thảm được xem là yếu tố trang trí không thể thiếu. Giới thiết kế thường chọn thảm sợi dệt hoặc thảm lông tông màu trung tính, thiên về tự nhiên như xanh cổ vịt, xanh lá mạ, nâu sậm, vàng mù tạt... Không gian nhà từ phòng khách tới khu vực bếp nấu, phòng ăn sẽ trở nên mềm mại, thanh lịch hơn nếu gia chủ khéo léo lựa chọn màu sắc, hoa văn của thảm trải sàn.

Thảm trải sàn họa tiết hình học
Thảm trải sàn họa tiết hình học, màu sắc tươi sáng sẽ trở thành điểm nhấn sinh động.

Sự liền mạch giữa không gian bên trong và bên ngoài nhà

Phong cách Mid-century trong thiết kế nội thất còn chú trọng tới việc tạo ra sự chuyển đổi, kết nối liền mạch giữa không gian bên trong với cảnh quan bên ngoài nhà. Thế nên, kiến trúc sư thường bố trí những khung cửa lớn, nhất là hệ cửa sổ kính trong suốt nối từ sàn tới trần nhà nhằm tạo sự nối kết liền mạch này. Để giúp lấy sáng tự nhiên tối đa, đồng thời tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên, cửa sổ mái, giếng trời được xem là giải pháp hữu hiệu.

Trang trí nhà với cây xanh

"Xanh hóa" không gian sống, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên đã và đang trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong các công trình kiến trúc, nhà ở những năm gần đây. Phong cách Mid-century được xem là điển hình cho xu hướng này. Vậy nên, cây xanh là ý tưởng được ưu tiên lựa chọn hàng đầu khi trang trí nhà. Bạn có thể trồng những loại cây thích bóng tối, ưa ẩm trong bình thủy tinh đặt trên bàn trà, bàn ăn hoặc trong chậu sứ ở góc trống trong phòng. Ngoài chức năng thanh lọc không khí, cây xanh còn là điểm nhấn cho tổng thể căn phòng.

cây xanh trang trí nhà
Cây xanh trang trí nhà mang đến bầu không khí trong lành, tạo cảm giác thư thái...

Kiểu dáng đèn độc đáo

Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng đối với phong cách Mid-century. Ngoài việc tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên nhờ các khung cửa sổ kính, cửa sổ mái, giếng trời, ánh sáng đèn cũng được chú trọng, nhất là đèn trang trí. Ánh sáng nhân tạo giúp làm nổi bật những chi tiết điểm nhấn của đồ nội thất, đặc biệt là đường nét khỏe khoắn, dứt khoát, họa tiết hình học trừu tượng...

Đặc điểm chung của đèn trang trí theo phong cách này là kích thước khá lớn, làm bằng chất liệu kim loại có thể phủ thêm lớp ánh kim nổi bật. Kiểu dáng đèn khá độc đáo, thường tuân thủ một trong hai yêu cầu là đơn giản hoặc mang nét hoài cổ, đượm màu thời gian. Các loại đèn sàn, đèn bàn có chụp đèn bằng vải, chân đèn bằng gỗ cũng được nhiều gia chủ ưa chuộng.

mẫu đèn sàn độc đáo
Mẫu đèn sàn độc đáo với phần chụp màu đen tương phản với sắc vàng đồng của phần chân mang đến cái nhìn cực hút mắt.

Để hình dung rõ ràng hơn về phong cách Mid-century, bạn có thể tham khảo cách bài trí nội thất trong ngôi nhà dưới đây:

phòng khách phong cách Mid-century
Ánh sáng tự nhiên ngập tràn giúp làm nổi bật vẻ đẹp của những món nội thất gam màu tối. Trong khi đó, lò sưởi có vai trò phân tách tương đối giữa phòng khách với không gian ăn uống trong ngôi nhà phong cách Mid-century.
phòng ăn đẹp
Phòng ăn được chủ nhân ưu ái đặt cạnh khung cửa sổ kính lớn, hướng tầm nhìn thoáng đẹp ra cảnh quan thiên nhiên xanh mát bên ngoài. Bộ bàn ghế màu trắng, với phần chân cao thanh thoát tạo độ thoáng cho không gian phòng.
gian bếp thoáng sáng
Gian bếp thoáng sáng và ấm áp với hệ tủ bếp bằng gỗ màu sáng cùng tông với trần nhà. Căn phòng sở hữu "view" thoáng đẹp ra sân vườn xanh mát.
góc ăn sáng nhỏ xinh
Góc ăn sáng nhỏ xinh, tiện dụng được thiết kế ngay cạnh trong khu vực bếp nấu, ẩn sau bức tường ngăn màu trắng.
phòng ngủ master đẹp
Phòng ngủ master mang đến cho gia chủ không gian nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái nhất với giường nệm cỡ lớn cùng tủ quần áo nhiều ngăn. Căn phòng cũng có khung cửa sổ kính lớn, mở ra khu vườn bên ngoài.
tủ lưu trữ đặt dọc hành lang ngôi nhà
Dọc theo hành lang ngôi nhà là hệ tủ bằng gỗ màu sáng, cao kịch trần, cung cấp không gian lưu trữ thoải mái.

Báo mới

Bài viết mới nhất

Vui lòng đăng nhập để được bình luận hoặc đánh giá.

  • BĐS bán
  • BĐS cho thuê