Thiết kế mặt tiền nhà ở kết hợp kinh doanh cần lưu ý gì?

Đảm bảo tính riêng tư

Mặt tiền nhà là mặt phía trước của công trình, nơi có cửa chính ra vào nhà. Mặt tiền công trình thường gây ấn tượng với mọi người ngay từ ánh nhìn đầu tiên, đồng thời thể hiện cá tính, gu thẩm mỹ của gia chủ. Chưa kể, mặt tiền trong phong thủy nhà ở còn đóng vai trò dẫn truyền khí vượng vào nhà, mang đến nhiều may mắn, tài lộc và sức khỏe tốt. 

Mặt tiền nhà ở kết hợp kinh doanh là mặt tiền nhà thường được xây dựng, trang trí với mục đích kinh doanh thương mại là chủ yếu. Đây là thiết kế phổ biến mà bạn dễ dàng bắt gặp tại các tuyến phố sầm uất, dân cư đông đúc, nhiều người qua lại. Đó có thể là nhà phố 1 tầng, 2 tầng, 3 tầng... đa dạng về phong cách kiến trúc, nội thất. Thông thường, khu vực kinh doanh sẽ được bố trí ở các tầng phía dưới hoặc phía trước nhà; không gian sinh hoạt của gia đình nằm ở phía sau hoặc các tầng cao hơn, có thể bố trí cầu thang riêng.

Tương tự như nhà ở thông thường, mặt tiền nhà ở kết hợp kinh doanh là hướng chính của ngôi nhà, nơi thu hút sự chú ý và đón nhận khách. Tuy nhiên, mặt tiền kiểu nhà này thường được đầu tư hơn để phục vụ mục đích thương mại.

Để có được mặt tiền nhà kinh doanh đẹp, đạt hiệu quả, mục đích kinh doanh, gia chủ phải đầu tư thiết kế hình khối, trang trí ấn tượng, đồng thời nghiên cứu xu hướng mặt tiền phù hợp với hình thức kinh doanh, mặt hàng kinh doanh cụ thể. Trong bài viết này, Dothi.net đề cập tới một số lưu ý khi thiết kế mặt tiền cho nhà ở kết hợp kinh doanh, hướng tới tiêu chí thoáng đẹp, bắt mắt, đáp ứng tốt nhu cầu kinh doanh mà vẫn đảm bảo tính riêng tư cần thiết cho không gian ở.

Phù hợp với loại hình kinh doanh

Ngoài yếu tố thẩm mỹ, mặt tiền nhà ở nên được thiết kế, trang trí gắn liền với mục đích sử dụng, phù hợp với loại hình kinh doanh cụ thể. Chẳng hạn, nếu kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống thì mặt tiền cần rộng rãi, khang trang và có khu để xe tiện dụng. Tuy nhiên, nếu kinh doanh shop thời trang, quần áo thì mặt tiền có thể nhỏ hơn nhưng phải sang trọng và tạo điều kiện cho sản phẩm trưng bày trở nên nổi bật hơn. Trong khi đó, đối với quán cà phê, gia chủ nên thiết kế mặt tiền độc đáo, phong cách, thể hiện chất riêng của quán.

Hình ảnh phối cảnh mặt tiền nhà ở kết hợp kinh doanh theo phong cách hiện đại
Mặt tiền nhà ở kết hợp kinh doanh thường được thiết kế và trang trí với mục đích kinh doanh thương mại là chủ yếu.

Chính vì vậy, trước khi lựa chọn phong cách thiết kế mặt tiền nhà, bạn cần xác định chính xác loại hình kinh doanh, mặt hàng buôn bán. Kiến trúc sư thường căn cứ theo nhu cầu thực tế của gia chủ để đưa ra giải pháp bố trí không gian hợp lý, đảm bảo cả về công năng cũng như tính thẩm mỹ.

Thông thoáng, tầm nhìn tốt, dễ nhận diện

Thông thường, đối với với ngôi nhà phố có vị trí đẹp, thuộc khu vực buôn bán sôi động, gia chủ thường tận dụng tầng trệt để phục vụ kinh doanh bởi tầng 1 là nơi trưng bày sản phẩm, bán hàng phù hợp, vừa tầm nhìn của người đi đường, ra vào mua bán thuận tiện.

Mặt tiền nhà ở kết hợp kinh doanh cần phải rộng rãi, thoáng đãng và nên có sảnh lớn để chiếm được cảm tình của khách hàng. Bố cục, hình khối đẹp, độc đáo, lạ mắt sẽ khiến mặt tiền nhà trở nên nổi bật, dễ nhận diện hơn giữa khu phố đông đúc. Xét về mặt phong thủy, mặt trước của ngôi nhà cần đảm bảo thông thoáng, sáng sủa. Nếu diện tích cho phép, bạn hãy chừa một khoảng sân làm lớp vỏ bọc bảo vệ dòng khí xung trực phía trước nhà, giúp thanh lọc, giảm thiểu những luồng khí tiêu cực đi từ ngõ, đường vào nhà.

Hình ảnh phối cảnh mẫu nhà ở kết hợp kinh doanh thoáng đẹp, ấn tượng
Thoáng rộng, tầm nhìn tốt và dễ dàng nhận diện là một trong những tiêu chí quan trọng khi thiết kế mặt tiền nhà kinh doanh.

Thực tế cho thấy, mặt tiền tầng 1 thường được thiết kế bắt mắt với cửa kính lớn trong suốt để đón sáng tự nhiên, đồng thời cung cấp tầm nhìn thoáng đãng. Cửa chính thường cao rộng, bao quát hết toàn bộ mặt tiền nhà để tận dụng tối đa không gian tiếp xúc với bên ngoài, thuận lợi cho kinh doanh. Kích thước thông thủy cửa chính cũng được nhiều gia đình quan tâm bởi nó có ý nghĩa quan trọng trong phong thủy xây dựng các công trình, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh.

Lưu ý, bạn cũng nên tránh thiết kế, lắp đặt biển quảng cáo quá lớn, che khuất không gian bên trong, ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ chung của mặt tiền nhà. 

Lựa chọn vật liệu phù hợp

Về chất liệu của cửa, tường nhà phố kinh doanh, gia chủ thường hạn chế xây tường bê tông ở phía trước mà thay vào đó là hệ cửa lớn để không cản trở tầm nhìn từ ngoài vào. Với mặt tiền nhà, bạn nên lựa chọn vật liệu sao cho ngoại thất công trình trở nên thoáng đãng, sang trọng hơn và đón sáng tự nhiên hiệu quả. Theo đó, kính cường lực, nhôm kính, inox, gạch ốp sáng bóng... được các kiến trúc sư khuyến khích lựa chọn.

Trong đó, kính cường lực ngày càng được ưa chuộng bởi những ưu điểm vượt trội như độ an toàn cao, tầm nhìn xuyên thấu, tạo cảm giác rộng rãi hơn cho không gian kinh doanh, đồng thời giúp tăng tính kết nối giữa không gian bên trong nhà với cảnh quan môi trường xung quanh.

Hình ảnh mẫu mặt tiền nhà phố kết hợp kinh doanh sử dụng chất liệu kính cường lực chủ đạo
Vật liệu kính cường lực trong suốt được ưa chuộng hơn cả khi thiết kế mặt tiền nhà ở
kết hợp kinh doanh.

Hiện nay, nhiều gia đình có xu hướng chọn gạch ốp trang trí mặt tiền nhà, nhất là nhà phố kết hợp kinh doanh. Với họa tiết, hoa văn độc đáo, gạch ốp góp phần tạo nên vẻ đẹp ấn tượng, hút mắt cho công trình. Bên cạnh đó, vật liệu này còn có khả năng chống chịu được tác động của điều kiện thời tiết, bảo vệ mặt tiền nhà khỏi ẩm ướt, nấm mốc. Tuy nhiên, khi chọn gạch ốp, gia chủ nên tránh các loại quá nhám, phun gai, sần sùi dễ bám bụi, rêu mốc... ảnh hưởng tới thẩm mỹ của mặt tiền nhà phố.

Nếu biết cách kết hợp hài hòa giữa các loại vật liệu hoàn thiện như kính, gỗ, đá, gạch hoặc kim loại, mặt tiền nhà bạn sẽ trở nên cực hút mắt, phần nào giúp thu hút khách tìm hiểu sản phẩm, mua hàng.

Phối màu hợp hướng, hợp mệnh

Màu sắc của mặt tiền nhà nói chung và mặt tiền kinh doanh nói riêng đều có vai trò quan trọng trong việc quyết định tính thẩm mỹ tổng thể của công trình. Theo đó, mặt tiền cần được phối màu theo nguyên tắc hài hòa với tổng thể ngôi nhà, tạo dấu ấn riêng. Tùy thuộc vào loại hình kinh doanh, phong cách thiết kế và cá tính của gia chủ mà màu sắc mặt tiền có thể là tông nóng, rực rỡ chủ đạo hay những gam màu nhẹ nhàng, tươi sáng. Tuy nhiên, bạn không nên chọn quá 3 màu để tránh tạo cảm giác rối mắt, gây mất thẩm mỹ, đồng thời cũng có thể áp dụng công thức 60-30-10.

Đồng thời, gia chủ nên chọn màu sắc mặt tiền phù hợp với hướng nhà và bản mệnh của mình, góp phần thu hút may mắn, tài lộc. Chẳng hạn, gia chủ mệnh Hỏa nên chọn sắc đỏ, tím, cam, xanh lá chủ đạo; trong khi màu trắng, nâu đất, vàng đậm phù hợp với người mệnh Kim. Mặt tiền nhà hướng Đông, Đông Nam nên sử dụng màu xanh lá, xanh lam, xanh da trời để trang trí. Đối với mặt tiền hướng Bắc, bạn có thể chọn màu bạc, xám, xanh dương chủ đạo...

Hình ảnh minh họa cho việc phối màu mặt tiền nhà kinh doanh hợp hướng, hợp mệnh gia chủ
Khi lựa chọn màu sắc cho mặt tiền nhà kinh doanh, bạn nên lưu ý tới hướng nhà cũng như bản mệnh của gia chủ để có được phong thủy tốt.

Chú trọng trang trí 

Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, gia chủ nên đầu tư trang trí mặt tiền công trình sao cho thật cuốn hút. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải trang hoàng thật lộng lẫy. Với kiểu mặt tiền này, yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo sạch sẽ, bài trí chỉn chu, mang đến cho khách hàng cảm giác đáng tin cậy. Thứ hai, dù chọn phong cách tối giản, cổ điển, tân cổ điển, hiện đại, đương đại... nhưng phải đảm bảo phù hợp với đặc thù loại hình, mặt hàng kinh doanh cũng như phong cách kiến trúc của ngôi nhà.

Hình ảnh phối cảnh mặt tiền nhà phố kết hợp kinh doanh đẹp
Với mặt tiền nhà kinh doanh, gia chủ nên trang trí sao cho thật nổi bật, hút mắt nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa với tổng thể chung.

Khi trang trí mặt tiền nhà kinh doanh, bảng hiệu là chi tiết rất quan trọng bởi đây là thứ gây ấn tượng đầu tiên với người đi đường. Tùy nhu cầu, công năng và sở thích, bạn có thể thiết kế bảng hiệu sao cho thật ấn tượng, sáng tạo. Muốn vậy, chủ nhân nên đầu tư cho hệ thống đèn chiếu sáng hoặc đèn LED trang trí.

Với thông tin đưa lên bảng hiệu, bạn hãy cân nhắc thật kỹ để đảm bảo không có gì thiếu hụt hay thừa thải. Trong đó, địa chỉ, ngày làm việc, giờ giấc mở cửa, đóng cửa, loại hình, mặt hàng kinh doanh cần được ưu tiên trước. Lưu ý, kích thước và hình ảnh bảng hiệu nên tránh gây phản cảm hoặc lấn chiếm không gian của nhà hàng xóm.

An toàn, an ninh tối ưu

Nhà ở kết hợp kinh doanh, buôn bán sẽ thường xuyên mở cửa, thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo đó, kẻ gian thường lợi dụng đặc điểm này để trộm cướp, chiếm đoạt tài sản. Chính bởi vậy, khi thiết kế mặt tiền nhà cần đảm bảo an ninh, an toàn ở mức tối ưu, đặc biệt là đối với cửa chính.

Kinh nghiệm cho thấy, với mặt tiền nhà phố không có cổng, bạn cần chọn chất lượng cửa thật cẩn thận để đảm bảo độ an toàn cho toàn bộ ngôi nhà. Gia chủ nên kết hợp giữa nhiều lớp cửa, gồm cửa cuốn, cửa sắt, cửa nhôm hoặc cửa kính cường lực. Nếu cần thiết, hãy lắp thêm hệ thống camera để giám sát, tăng cường an ninh.

Hình ảnh mẫu nhà phố kết hợp kinh doanh sử dụng nhiều lớp cửa để đảm bảo an ninh, an toàn
Để đảm bảo an ninh tối ưu, bạn nên kết hợp giữa nhiều lớp cửa, gồm cửa cuốn, cửa sắt/nhôm hoặc cửa kính cường lực.

Gia chủ càng phải cẩn thận hơn khi kinh doanh những mặt hàng có giá trị lớn như đá quý, vàng bạc. Không chỉ đảm bảo an toàn cho khu vực buôn bán ở các tầng dưới mà còn phải chú trọng yếu tố an ninh cho cả không gian sinh hoạt gia đình. Đối với nhà ở kết hợp hàng ăn hoặc kinh doanh mặt hàng dễ gây cháy nổ, gia chủ cần bổ sung thêm thiết bị phòng cháy chữa cháy đặt ở vị trí dễ thấy, dễ lấy sử dụng nhất.

Đảm bảo tính riêng tư

Yếu tố này vô cùng quan trọng khi thiết kế mặt tiền nhà ở kết hợp kinh doanh, đảm bảo hoạt động kinh doanh không ảnh hưởng tới đời sống riêng tư của gia đình. Do đó, đối với mặt tiền khu vực ở (thường là các tầng cao hơn), bạn nên che chắn bằng tường bao, hệ lam, cây xanh, rèm cửa để trang trí cũng như tạo sự kín đáo cho không gian sinh hoạt bên trong.

Hình ảnh mặt tiền nhà kinh doanh được trang trí bởi lam che, cây xanh, kính cường lực...
Với không gian sinh hoạt ở tầng trên, bạn có thể kết hợp giữa lam che, cây xanh, lan can kính cường lực để đảm bảo tính riêng tư cần thiết.

Mời xem thêm: 

  • Kinh nghiệm xây nhà phố kết hợp kinh doanh
  • "Bí kíp" làm đẹp cho mặt tiền nhà phố 

Báo mới

Bài viết mới nhất

Vui lòng đăng nhập để được bình luận hoặc đánh giá.

  • BĐS bán
  • BĐS cho thuê